Ngành giáo dục: Lo thói dối trá trở thành vấn nạn

Thứ hai - 25/06/2012 16:09
"Đỗ tốt nghiệp 50% hay 100% không quan trọng bằng nỗi đau vấn nạn gian dối xuất hiện trong học trò. Dạy các em cách làm người trung thực quan trọng hơn cả dạy chữ", GS.TS Đinh Quang Báo đã chia sẻ với phóng viên.

Đỗ cao thế là không tưởng

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cao bất ngờ: Hàng loạt trường 100%, tỷ lệ bình quân cả nước là hơn 97%. Không ai thấy vui, nhiều người thấy lo, còn ông thì sao?

Chất lượng giáo dục ngày càng tăng lên là quy luật của sự phát triển xã hội. Thế nhưng, chắc chắn là bây giờ tỷ lệ học kém nhiều hơn ngày trước. Trước đây giáo dục mang tính tinh hoa, giờ giáo dục mang tính đại chúng thì tỷ lệ kém nhiều hơn là đương nhiên, xã hội cũng đừng lo quá.

Theo ông thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như vậy có phản ánh đúng chất lượng của học sinh phổ thông bây giờ hay không?

Chất lượng bây giờ so với yêu cầu của chương trình giáo dục thì rõ ràng là có vấn đề. Có thể khẳng định tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100% kia không phản ánh đúng chất lượng giáo dục.

Trên cơ sở nào để khẳng định như vậy?

Gần đây chưa có một nghiên cứu thực sự công phu nào nhưng trên thực tế đã có những phép thử. Tổ chức nghiêm túc thì tỷ lệ đậu không cao. Tỷ lệ các em đỗ tốt nghiệp với tỷ lệ các em đạt yêu cầu thực chất mục tiêu đào tạo là không bằng nhau.

Sự chênh lệch này có nhiều không thưa ông?

Rất khó để đưa ra một con số cụ thể, chính xác, nhưng mọi người ước lượng thì nó vào khoảng 60% là có chất lượng thật. Tôi miễn nói tên, nhưng có một hiệu trưởng nói với tôi rằng: Thử ra một đề thi thật dễ nhưng tổ chức thi thật nghiêm túc, để xem chất lượng thực sự của học trò đến đâu. Kết quả cũng không khả quan như kết quả thi tốt nghiệp vừa rồi.

Đau xót quá!

Khi những clip gian lận thi cử năm nay được tung lên mạng thì ông nghĩ gì?

Tôi thấy buồn. Tôi không bình luận vì sao lại có clip đó mà tôi tự hỏi không biết nó có thật không nhỉ. Nếu những hình đó là xác thực thì quả là đau xót, không chấp nhận được. Chúng ta đau xót với cái có thật đó. Trước đây ta cứ tự hỏi không biết là sự thật nó thế nào, thì giờ ta có thể trả lời được.

Nhiều người đặt câu hỏi có nên để kỳ thi đó nữa hay không?

Trước hết phải khẳng định học là phải thi. Thi không chỉ là để đánh giá thành tích mà thi còn là một phương pháp dạy học, tạo ra động cơ học tập mạnh mẽ hơn. Không có thi thì động cơ học sẽ bị triệt tiêu. Thi là để cạnh tranh  nhau. Thi là phương pháp, mục tiêu và nội dung dạy học, nên vẫn phải thi. Nhưng vấn đề là thi như thế nào thôi.

Thế nhưng, tổ chức một kỳ thi mà chỉ lọc được vài phần trăm nhỏ bé thôi thì cái mục đích bản chất của một kỳ thi có đạt được hay không thưa ông?

Nếu bảo: Thi mà lúc nào cũng đạt trên 90% thì cần gì phải thi cho tốn kém tiền của và công sức. Đó là một suy nghĩ đơn giản. Nhưng nên hiểu rằng, 90% thí sinh đậu do tổ chức thi khác với 90% học sinh tốt nghiệp mà không qua kỳ thi. Hai chất lượng của hai tập hợp đó là khác nhau. Có thi thì chất lượng sẽ cao hơn không thi vì khi đã phải thi thì học sinh nào cũng phải lo học.

Vẫn phải thi, nhưng thi thế nào là chuyện khác?

Có phải tổ chức một kỳ thi cả quốc gia hay không thì phải bàn. Có nước người ta đánh giá học sinh trong cả quá trình học tập. Nếu ta tổ chức làm tốt được việc đó thì ta không cần phải thi nữa. Đánh giá kết quả quá trình học bằng một kỳ thi thì rủi ro vô cùng lớn. Nếu làm tốt việc đánh giá quá trình học thì sẽ không còn rủi ro này nữa.

Gian dối và sự nguy hại về đạo đức

Vậy trong câu chuyện này, tỷ lệ tốt nghiệp cao là đáng lo hay sự gian dối mới đáng lo thưa ông?

Nó nguy hại về đạo đức hơn là ta sốt ruột về việc đỗ bao nhiêu phần trăm. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp thì cũng nguy hại, nhưng tỷ lệ đỗ cao quá, đỗ vì quay cóp, vì gian dối, thì nó còn nguy hại gấp hàng trăm lần. Hành vi gian dối như vậy thì phải loại trừ. Chính vì vậy mà trong đề thi lần này đã có câu yêu cầu bình luận về sự dối trá. Phải loại trừ, khắc phục tối đa cái nạn ấy. Việc gian dối trong thi cử thì ở đâu cũng có, nước nào cũng có, nhưng nó chưa thành vấn nạn mang tính phổ biến.

Ý ông là ta đang gặp vấn nạn gian dối?

Tôi nghĩ đây là một vấn nạn mà ta đang phải đối mặt. Tôi lo chất lượng giáo dục một phần thôi, nhưng lo cái khía cạnh đạo đức, khía cạnh con người nhiều hơn. Thói dối trá tiêm nhiễm vào học trò thì nguy hiểm lắm. Người học dối trá đã nguy hiểm, mà người thầy cũng dối trá, cũng tham gia vào việc đó thì không thể chấp nhận.

Nghĩa là có thể chấp nhận một học trò dốt nhưng không chấp nhận một học trò gian dối?

Dốt về kiến thức là điều không mong muốn nhưng lại cộng với dối trá nữa thì nó khủng khiếp lắm. Anh có thể học không giỏi lắm nhưng tư cách con người anh tốt thì anh vẫn thành người tử tế. Còn người đạt điểm cao nhưng lúc nào cũng dối trá để có thành tích đó thì chưa chắc đã thành người tử tế.

Không đánh đổi

Giải pháp nào là hợp lý nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT bây giờ thưa ông?

Đánh giá học sinh tốt nghiệp bằng sự tích lũy kết quả được đánh giá trong cả quá trình học là cách tối ưu. Khi chưa làm được cách đó thì kỳ thi tốt nghiệp nên phân cấp nhiều hơn cho các địa phương tổ chức. Còn các cơ quan quản lý thì tập trung vào giám sát kiểm tra và kỷ luật thích đáng đối với những hành vi gian lận. Không vì những con số đẹp mà tạo điều kiện cho các em gian dối.

Nghĩa là không đánh đổi sự gian dối lấy thành tích?

Đúng vậy, điểm thấp nhưng là thật. Xã hội ghi nhận sự trung thực ấy còn hơn là nhìn tấm bằng của các em mà không biết thực chất nó như thế nào. Khi đó, ý nghĩa giáo dục lớn, học trò nó không bị tiêm nhiễm bởi cái sai của người lớn và của cả xã hội. Đây không phải là gian dối gì cả, chỉ là thước đo thật thôi.

Nhưng để làm được có khó không?

Phải đổi mới nhận thức, đừng có quá cực đoan trong bất cứ vấn đề nào.

Xin cảm ơn ông!

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Các tin khác

  LIÊN KẾT WEBSITE

 XEM NHIỀU NHẤT

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập60
  • Hôm nay672
  • Tháng hiện tại16,300
  • Tổng lượt truy cập1,583,093
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây