Website Trường THCS Hưng Hòa, Vinh, Nghệ An

http://thcshunghoa.vinhcity.edu.vn


Lịch sử phát triển ngành Giáo dục Nghệ An

Nghệ An vốn có truyền thống hiếu học lâu đời. Truyền thống đó đã tạo nên những nét đẹp của nền văn hiến xứ Nghệ và được nhân lên trong thời đại mới với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà

Nền giáo dục cách mạng của Nghệ An từ đó đến nay đã trải qua 60 năm. Vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, thách thức, ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An đã từng bước vươn lên, đóng góp với thành tích chung của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Những thành tựu của giáo dục Nghệ An trong thời kỳ qua là hết sức to lớn, là cơ sở, là điều kiện để cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

     Trước năm 1945, ở các phủ, huyện miền xuôi, 3-4 làng mới có một hương trường với một hai lớp đồng ấu; mỗi tổng có một trường sơ đẳng độ 3-4 lớp; cả tỉnh chỉ có 11 trường tiểu học với; tổng số học sinh của các trường sơ học và tiểu học khoảng 13 nghìn. Bậc cao đẳng tiểu học có 4 trường đều đặt ở Vinh và 3 trường tư thục với khoảng 1.500 học sinh thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Số học sinh tiếp tục theo học lên bậc trung học tính trên đầu ngón tay, phải ra Hà Nội hoặc vào Huế mới có nơi học. Tỷ lệ học sinh so với dân số là 1,5%.

     Ngày 8-9-1945, Chính phủ thành lập Nha Bình dân học vụ. Tháng 9-1945, Uỷ ban hành chính tỉnh Nghệ An ra quyết định thành lập Ban Bình dân học vụ, tháng 12-1945 được nâng lên thành Ty Bình dân học vụ. Ty Thanh tra Tiểu học cũng được thành lập để quản lý, chỉ đạo bậc tiểu học. Bậc trung học, bậc trung học chuyên khoa thuộc sự quản lý, chỉ đạo chuyên môn của Nha Trung học vụ Trung bộ. Từ năm 1950-1951, bỏ Ty Thanh tra Tiểu học và thành lập Ty Giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo cả ba cấp học: cấp 1, cấp 2, cấp 3. Năm 1952, Ty Giáo dục phổ thông sáp nhập với Ty Bình dân học vụ thành Ty Giáo dục Nghệ An; năm 1983, đổi tên thành Sở Giáo dục Nghệ An; năm 1993, lại đổi thành Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.


       Đến nay, Nghệ An đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và hoàn thành cơ bản phổ cập giáo dục trung học cơ sở; xây dựng được 50 trường mần non, 282 trường tiểu học, 24 trường trung học cơ sở và 4 trường trung học phổ htông đạt chuẩn quốc gia. Ngành đã và đang thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đổi mới giáo dục phổ thông; triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới ở bậc tiểu học và cấp trung học cơ sở đúng tiến độ; chất lượng các lớp thay sách đạt kết quả cao hơn hẳn so với trước. Hai năm nay, mỗi năm toàn tỉnh có 69 em Học sinh giỏi quốc gia, cùng với Học sinh giỏi quốc gia của khối chuyên toán Trường Đại học Vinh, tổng số Học sinh giỏi quốc gia của Nghệ An đứng thứ nhất, thứ nhì so với cả nước. Số học sinh đậu vào đại học, cao đẳng tăng nhanh: năm 1996 có 3.673 em, năm 2000 có 6.120 em, năm 2005 có 11.413 em đậu vào đại học, cao đẳng.       Từ nền giáo dục dân chủ nhân dân hình thành và phát triển trong thời kháng chiến chống Pháp, sau mấy năm khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, chuyển sang đấu tranh xây dựng nền giáo dục của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã tạo được một chuyển biến khá mạnh. 

       Tiếp theo là chặng đường 10 năm 1965-1975 thử lửa. Giáo dục Nghệ An đã phấn đấu đạt yêu cầu của chuyển hướng giáo dục trong thời chiến là an toàn cho thầy trò, đảm bảo hoạt động dạy và học. Tất cả các ngành học: mẫu giáo, phổ thông, bổ túc văn hoá, đào tạo-bồi dưỡng đều phát triển mạnh ở cả ba vùng: biển, đồng bằng, miền núi. Chất lượng giáo dục toàn diện được đi theo phương hướng cải cách giáo dục. Chất lượng bộ phận học sinh giỏi đi lên. Hoạt động học tập, giảng dạy và các hoạt động khác đã gắn với đời sống sản xuất, chiến đấu. Giai đoạn 1975-2005, giáo dục Nghệ An tiếp tục phát triển mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng. Năm học 2005-2006, Nghệ An có 503 trường mầm non, 615 trường tiểu học, 470 trường trung học cơ sở, 85 trường trung học phổ thông, 9 trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, 20 trung tâm giáo dục thường xuyên, 404 trung tâm học tập cộng đồng với gần 1 triệu học sinh và 52.000 cán bộ, giáo viên.

     Trong giai đoạn 2006-2010, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện quy hoạch mạng lới trường lớp (công lập, bán công, dân lập) hợp lý theo hướng mỗi xã có một trường mầm non, một trường tiểu học, duy trì một số trường trung học cơ sở có các lớp tiểu học ở những xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng cao; sáp nhập các trường trung học cơ sở có quy mô nhỏ thành trường cụm xã; khuyến khích thành lập thêm các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tư thục ở nơi có điều kiện và nhu cầu; củng cố và phát triển hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập; tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng; tạo mọi điều kiện để thực hiện phân luồng hợp lý học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Về chất lượng, phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ trong trường mầm non xuống 13% vào năm 2010; nâng cao chất lượng học sinh giỏi; củng cố vững chắc kết quả xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2007; triển khai thực hiện phổ cập giáo dục trung học phổ thông để đến năm 2010 có Vinh, Cửa Lò và một số huyện miền xuôi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển đạt chuẩn này.

 
 

Nguồn tin: st

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây